Nữ y tá Mỹ gốc Việt - Nina Pham nhiễm Ebola
Cô y tá Mỹ gốc Việt Nam Nina Pham được phát hiện nhiễm Ebola cuối tuần qua ở Dallas (bang Texas, Mỹ) được gia đình xác nhận, và là cựu sinh viên trường đại học Texas Christian University (TCU) theo trang tin wfaa.com khuya 13.10.
Nina Pham với chú chó cưng
Kênh truyền hình News 8 vào sáng 13.10 (giờ Mỹ) đã tiếp cận gia đình Pham, và lấy được ảnh cô vốn lớn lên tại thành phố Fort Worth.
Là nhân viên y tế ở bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital, Pham bị nhiễm virus Ebola khi can đảm tham gia chữa trị Thomas Eric Duncan, người đàn ông đã chết ngày 8.10, trước khi Pham được phát hiện đã nhiễm.
Pham, 26 tuổi, tốt nghiệp khóa đào tạo y tá ở TCU hồi năm 2010, và là người đầu tiên bị nhiễm Ebola khi đang ở Mỹ.
Cô được chẩn đoán-phát hiện nhiễm virus Ebola sau khi cô tự đến nơi làm việc, báo bị sốt nhẹ. Ngày 13.10, bệnh viện nói sức khỏe Phạm tạm ổn định.
Cô được chẩn đoán đã nhiễm Ebola, được chăm sóc tại phòng cách ly vốn đã được vô trùng kỹ lưỡng.
Có một người được xác định ở gần Pham khi cô bị nhiễm. Người này đang được Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) theo dõi tình trạng sức khỏe hàng ngày và chưa có triệu chứng bị nhiễm Ebola.
|
Duncan, người bị nhiễm Ebola khi từ Liberia về Dallas
|
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của trang tin WFAA hôm 13.10, chánh án Clay Jenkins của thành phố Dallas tuyên sẽ không xử chết con chó của Phạm.
Ông nói: “Khi gặp cha mẹ cô ấy, họ nói: “Thưa chánh án, con chó này rất quan trọng với con tôi. Xin đừng để bất kỳ chuyện gì xảy ra với con vật. Chúng tôi hứa sẽ chăm sóc kỹ con vật”.
Con chó cưng của Pham đã được chuyển đến một địa điểm bí mật để cách ly, được cơ quan bảo vệ gia súc Dallas chăm sóc.
Người bạn Tom Ha nói Nina Pham là “một bậc anh thư” của cộng đồng Mỹ gốc Việt, gia đình cô theo đạo Công giáo và rất khát khao phục vụ nhân loại. Gia đình cô cũng nổi tiếng về việc phục vụ người nghèo và bệnh nhân.
Người cậu Jason Nguyen của Pham xác nhận cô là y tá nhiễm Ebola, và mẹ cô rất buồn khi báo tin cho em trai biết. Ông cho biết Pham luôn thích làm việc, hầu như "sống" trong bệnh viện.
|
Nina Pham, "bậc anh thư"của cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam
|
Giám đốc CDC Tom Frieden nói: “Ca nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ làm thay đổi vài điều và không làm thay đổi những điều khác. Nó không thay đổi thực tế là chúng ta biết Ebola có thể lây. Nó không thay đổi thực tế là có thể xử lý Ebola an toàn. Nhưng nó làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận nó”.
Ông nói sự thay đổi là cần thiết, vì “ngay cả một ca nhiễm lẻ cũng không thể chấp nhận được”.
Hiện CDC tiếp tục theo dõi sức khỏe 48 người khác, gồm 10 người đã được xác định là có tiếp xúc với ông Duncan, người đã chết sau khi được phát hiện nhiễm Ebola khi ông từ Liberia trở về Dallas ngày 20.9.
3 ngày sau đó, Duncan có các triệu chứng nhiễm Ebola và được đưa đến bệnh viện ngày 28.9. Ông chết ngày 8.10.
Ông Frieden nói mỗi ca giám sát này đều chưa bị sốt hoặc các triệu chứng khác:
“Đây là điều chúng ta đã biết về Ebola: người ta không bệnh khi chưa có triệu chứng, và càng nhiễm nặng thì càng bệnh nặng hơn, vì lượng virus trong cơ thể người ấy gia tăng”.
Ông Frieden nói CDC cũng đang theo dõi sức khỏe của các y tác đã chăm sóc Duncan tại bệnh viện Texas Health Presbyterian.
Quy trình xác minh tất cả những người có thể đã tiếp xúc với ông Duncan trong thời gian ông được chữa trị đang được tiến hành.
Ông Frieden nói: “Nhóm hiện phỏng vấn từng y tá có thể đã tiếp xúc với ông Duncan trong thời gian ông nằm viện”.
Ông nói đây là việc quan trọng, vì họ không biết Pham đã nhiễm virus Ebola: “Nên chúng tôi xem họ là có nguy cơ bị lây nhiễm, và chúng tôi đang điều tra kỹ”.
Ông cũng nói CDC đang điều tra quy trình cách ly ông Duncan, và tìm hiểu tại sao Pham bị nhiễm.Một mũi điều tra là cách sử dụng những thiết bị y tế và dụng cụ bảo vệ trong và sau khi chữa trị một bệnh nhân bị nhiễm.
"Vì nếu chúng nhiễm virus, có khả năng nhân viên sẽ tự lây cho bản thân”.Frieden nói.
Sau khi chẩn đoán Pham, một nhóm hỗ trợ đã được cử đi giúp nhóm CDC đã đến Dallas sau ca chẩn đoán Duncan.
Ông Frieden cũng kêu gọi các bệnh viện trên toàn nước Mỹ “suy nghĩ về Ebola”, theo dõi các bệnh nhân có vài triệu chứng nhiễm virus này, và là những người đã từ 3 nước châu Phi có dịch Ebola nghiêm trọng trở về Mỹ trong vòng 21 ngày qua.
Hôm 12.10, ông Frieden nói có thể Nina Pham bị nhiễm Ebola do vi phạm quy trình chăm sóc bệnh nhân Ebola, lúc cô cởi các dụng cụ phòng lây nhiễm gồm khẩu trang, găng y tế.
Nạn nhân Ebola thường bị tiêu chảy và chảy máu, nhưng máu và phân của bệnh nhân Ebola bị xem là các chất lỏng dễ lây nhiễm nhất.
Ngày 13.10, ông phải nói lời xin lỗi giới chăm sóc y tế, những người phàn nàn rằng bình luận của ông nghe như trút trách nhiệm cho Nina Pham làm lây Ebola, thay vì đặt dấu hỏi rằng liệu cô đã được đào tạo đầy đủ và thực hiện đúng quy trình chăm sóc bệnh nhân hay không.
Ông nói: “Tôi cảm thấy đau đớn vì một y tá bị nhiễm khi chăm sóc một bệnh nhân Ebola”, và khẳng định bình luận của ông không mang ý do lỗi Pham dẫn đến việc làm sai quy trình chữa trị.
Bonnie Castillo, thủ lĩnh nhóm y tá chỉ trích CDC trút trách nhiệm làm lây Ebola cho Pham. Bà nói: "Người ta chớ nên tìm dê tế thần và trút trách nhiệm khi đang có dịch. Chúng ta đang có một hệ thống thất bại. Đó là điều chúng ta phải chỉnh sửa".
Trong khi đó, sức khỏe bệnh nhân Teresa Romero người Tây Ban Nha vẫn ổn, các bác sĩ cẩn thận hy vọng bà có thể bình phục.
Bà Romero, 44 tuổi, cũng là y tá nhiễm Ebola khi chăm sóc một bệnh nhân người Tây Ban Nha. Con chó Excalibur của bà đã bị tiêm thuốc độc cho chết hồi tuần trước.
Trần Trí (theo wfaa.com, AP)