Mặc dù đã ở tuổi 83, mỗi khi nhớ lại quá trình làm giàu của mình, "thiên tài chứng khoán" Buffett vẫn cảm thấy… tiếc vì cho rằng việc mình bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu khi đã… 12 tuổi là "quá muộn".
Tờ USA Today hôm 8/7 vừa qua đưa tin: Tỉ phú người Mỹ Warren Buffett sẽ tặng 5 cơ sở từ thiện, trong đó có Quỹ Bill and Melinda Gater một lượng cổ phiếu trị giá hơn 2,6 tỉ USD của tập đoàn đầu tư Berkshine Hathaway (Mỹ) do ông giữ vị trí chủ tịch kiêm giám đốc điều hành.
Mặc dù trong mấy năm trở lại đây, bảng xếp hạng của Warren Buffett luôn thay đổi, nhưng dù thế nào thì ông cũng vẫn đứng ở tốp 5 người giàu nhất thế giới. Điều đáng nói hơn nữa, không chỉ là chuyện "lắm của nhiều tiền", cuộc đời của tỉ phú Warren Buffett thực sự để lại nhiều bài học thú vị cho những ai đó có khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Ăn chắc mặc bềnSinh năm 1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska (Mỹ), đến nay, mặc dù đã ở tuổi 83 song mỗi khi nhớ lại quá trình làm giàu của mình, "thiên tài chứng khoán" Buffett vẫn cảm thấy… tiếc vì cho rằng việc mình bước chân vào giới chứng khoán, cổ phiếu khi đã… 12 tuổi là "quá muộn".
"Không bao giờ là quá sớm nếu bạn có ý định làm giàu. Bất kể ở độ tuổi nào bạn cũng có thể trở thành một nhà đầu tư giỏi, chỉ cần bạn biết cách tiết kiệm mà thôi" - Buffett từng nhiều lần bộc lộ quan điểm như vậy. Và quan điểm ấy của ông đã được thực tế chứng minh.
Từ khi còn nhỏ, Buffett đã có máu "kinh doanh". Ông bán kẹo cao su, bán Coca - Cola, bán tạp chí rồi vào làm cho một cửa hàng tạp hóa. Đã có giai đoạn, ông rủ một số bạn học cùng chung tiền mua máy trò chơi lăn bi đặt tại một hiệu cắt tóc. Từ số tiền kiếm được nhờ chiếc máy này, họ mua thêm một số máy nữa và cao điểm, họ có tới 8 chiếc đặt tại 8 hiệu cắt tóc.
Năm 1942, Buffett bắt đầu thực hiện "cuộc đầu tư lớn" đầu tiên trong đời mình: Dốc toàn bộ 120 USD dành dụm được mua ba cổ phiếu của Cities Service Preferred. Khi cổ phiếu lên giá, Buffett lập tức bán chốt lời. Năm 1944, ở tuổi 14, cậu bé Buffett đã có thể mua được một nông trại nhỏ từ số tiền dành dụm được.
Khi mới tốt nghiệp đại học (năm 1953), Buffett mới chỉ có trong tay chưa đầy 10.000 USD. Ông quyết định mua cổ phiếu và thành lập một doanh nghiệp nhỏ. Chỉ hơn hai năm sau, ông đã có tới 127.000 USD (khoảng 1,4 triệu USD theo thời giá hiện nay). Với số tiền này, theo tính toán của Buffett, vợ chồng ông có thể sống một cuộc sống hoàn toàn sung túc trong vòng 10 năm, với mức chi tiêu 12.000 USD/ năm.
Tuy nhiên, không chấp nhận dừng lại ở đấy, Buffett nói với vợ: "Lãi kép chắc chắn sẽ giúp anh trở thành người giàu có". Và sự thực đã chứng minh con đường mà Bufett lựa chọn là đúng. Chính cách đầu tư khôn ngoan đã giúp Buffett trở thành triệu phú khi mới 32 tuổi và 30 năm sau trở thành tỉ phú. Với số tài sản lên tới 61,6 tỉ USD (theo một tài liệu công bố vào trung tuần tháng 6/2013), hiện Warren Buffett được xếp thứ ba trong danh sách những người giàu nhất thế giới (sau Bill Gater và nhà tỉ phú người Mexico Carlos Slim).
Nói đến Buffett là nói đến một hình mẫu tỉ phú có cách kiếm tiền rất thực tế, theo kiểu "ăn chắc mặc bền". Và đây là một trong những "qui tắc" sống của ông: "Tôi không bao giờ tìm cách nhảy qua một sào cao bảy bộ. Tôi nhìn quanh để tìm ra những sào chỉ cao hai bộ và… bước qua".
Những lời khuyên thú vịHẳn rất nhiều bạn trẻ muốn biết "bí quyết" nào đã giúp một con người có xuất phát điểm bình thường gặt hái được những thành tựu hết sức ngoạn mục như trường hợp của tỉ phú Warren Buffett? Có đấy, nhiều nữa là khác. Và điều đáng nói là Buffett đã tỏ ra rất cởi mở khi liên tục thổ lộ cùng báo giới những quan điểm sống và cách thức làm giàu của mình.
"Đừng mua những gì vượt quá nhu cầu thực sự của bạn" - Warren Buffett từng đưa ra lời khuyên như vậy đối với nhiều người và với bản thân mình, ông đã thực sự làm được như vậy. Mặc dù là một trong ba tỉ phú giàu nhất thế giới, song đến nay Buffett vẫn sống trong một ngôi nhà giản dị có diện tích 610m2, với 3 phòng ngủ ở trung tâm thị trấn Omaha - ngôi nhà được ông "tậu" khi kết hôn với người vợ đầu cách đây 50 năm.
Khi được hỏi tại sao ông không tậu cho mình nhiều căn biệt thự thật lớn, ở nhiều nơi trên thế giới, tương xứng với sự giàu có của mình, Buffett đã trả lời rằng, chính ngôi nhà này, ngôi nhà "ấm áp vào mùa đông, mát mẻ trong mùa hè" đã luôn đem lại cho ông cảm giác thoải mái. "Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chỉ chuyển đi nơi khác nếu nơi đó cho tôi cảm giác hạnh phúc hơn. Tôi biết, tôi sẽ không thể cải thiện được cuộc sống của mình chỉ với việc có nhiều ngôi nhà trên khắp thế giới. Tôi không muốn quản lý nhiều ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải giúp mình làm công việc ấy".
Khác với một số tỉ phú, đến nay Buffett cũng không hề sở hữu một chiếc du thuyền nào. Ông cho rằng, đây chỉ là một món đồ chơi, là "cục nợ" không hơn không kém. Trong quan niệm của ông, không nên chi tiền vào những thứ chỉ dùng trong chốc lát rồi "bỏ xó". Làm vậy là lãng phí.
Warren Buffett was presented with the Medal of Freedom in 2010, the highest US civilian award [AP]
Mặc dù sở hữu một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, song Buffett không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng.
"Hãy là chính mình, đừng cố gắng để biến mình thành người khác" - Buffett đã triệt để áp dụng phương châm này trong cuộc sống. Sau giờ làm việc, ông thường lái xe về nhà, nằm xem tivi và thưởng thức món bắp rang bơ - một món "khoái khẩu" của ông. Ông hạn chế tối đa các buổi tiệc tùng, đình đám.
Nếu có thì đó thường là những buổi "đấu giá bữa ăn trưa với tỉ phú Buffett" được tổ chức mỗi năm một lần (những người muốn được ăn trưa với Buffett phải mất một khoản tiền lên tới hàng triệu USD) và số tiền này được nhà tỉ phú dành cho một tổ chức từ thiện. "Tôi chỉ muốn được là chính mình và làm những điều mình thích mà thôi" - Buffett tâm sự. Ông nói, ông rất lấy làm tiếc khi thấy một số đại gia đang bị chính nghề của họ chi phối trong khi đúng ra, họ phải làm chủ công việc.
Về bí quyết quản lý, Buffett chỉ đưa ra một đúc kết ngắn gọn "Để thành công, chỉ cần giao đúng người đúng việc". Hiện tại, tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett đang sở hữu 63 công ty . Số lượng công ty lớn như vậy song hàng năm, Buffett chỉ viết một lá thư gửi tới các giám đốc điều hành của 63 công ty này để hoạch định mục tiêu hoạt động cho năm tiếp theo chứ ông không bao giờ triệu tập các cuộc họp hay gọi điện chỉ đạo như chủ tịch các tập đoàn lớn khác (Buffett có điểm lạ là ông không dùng điện thoại di động cũng như không dùng laptop).
Về chuyện kiếm tiền, Buffett đưa ra lời khuyên: "Đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai". Về chuyện tiêu tiền, ông cảnh báo: "Nếu như bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần". Về việc tiết kiệm, ông nhắc: "Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm". Về chuyện đầu tư, ông chia sẻ: "Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ".
"Cam kết cho đi"Warren Buffett & Bill Gates
Là nhà "buôn tiền" lừng danh song tỉ phú Buffett cũng được xem là nhà từ thiện hiếm có.
Từ nhiều năm trước, Buffett đã ra thông báo sẽ làm từ thiện 99% tài sản của mình sau khi chết. Năm 2006, ông tuyên bố sẽ ủng hộ hơn 30 tỷ USD vào quỹ của Bill Gates trong vòng hơn 20 năm (đã được thực hiện đều đặn từ đó tới nay) và năm 2010, ông hợp tác cùng Bill Gates xây dựng một dự án lấy tên là "Cam kết cho đi". Dự án này tới nay đã thu hút được 69 cá nhân và gia đình những người giàu có cam kết dành phần lớn tài sản để làm từ thiện.
Tỉ phú Bill Gates, trong lần đầu gặp gỡ Buffett đã thổ lộ rằng, ông "rất ngưỡng mộ Buffett".
Peter Andrew Buffett - nhà soạn nhạc nổi tiếng, con trai thứ hai của Buffett - mặc dù khi khởi nghiệp chỉ nhận được số tiền hỗ trợ thuộc loại "bèo bọt" của người cha tỉ phú, song đã không hề tỏ ra oán thán mà còn rất lấy làm biết ơn ông:
"Nếu tôi có một đống tiền từ cha tôi thì có lẽ cuộc sống của tôi đã không có ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi tin rằng những gì cha tôi làm xuất phát từ tình yêu thương… Cha tôi không tin vào tài sản thừa kế. Người ta vẫn thường nghĩ rằng con cái sẽ nhận được hàng đống tiền từ cha mẹ tỷ phú nhưng thực tế thì thứ mà cha tôi cho chúng tôi là các bài học về giá trị cuộc sống. Đó mới thực sự là thứ chúng tôi cần"