Oshougatsu _ Tết của nguời Nhật Bản
Tết Nhật được coi là một trong những nghi lễ tồn tại lâu đời của người Nhật, tuy nhiên người ta vẫn chưa biết chính xác rằng tết được bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ .Từ khi Phật giáo xâm nhập vào Nhật Bản vào nửa đầu thế kỉ thứ 6 nghi lễ đón Tết đã được biết đến. Và nghi lễ này được coi là “cổ” ngang với nghi lễ Obon được tổ chức sau Tết khoảng nửa năm.
Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…, Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch, Người Nhật gọi dịp này là “Oshougatsu”, và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama..
Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây qua quá trình giao lưu, tương tác theo dòng chảy của thời gian.
Người Nhật có tập quán trang trí cây thông ( kadomatsu) trước cửa nhà, nhà hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama – vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng cho nhiều mong ước, ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
Đêm 30 tết đối với người Nhật là khoảng thời gian sum họp gia đình và cùng nhau đón khoảnh khắc giao thừa. Vào đúng 0 giờ đêm giao thừa, tất cả các chùa trên khắp nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.
Trong thời khắc giao thừa, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quay quần bên nhau thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống.
Người Nhật thường ăn Toshikoshi soba ( Mì kiều mạch) vào đêm giao thừa , dù có nhiều ý nghĩa liên quan đến loại mì này như chúc trường thọ, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống trong năm tới, truyền thống này có một ý nghĩa thực tế hơn: cho phép người vợ nấu một món ăn đơn giản để họ nghỉ ngơi sau một năm bận rộn nấu những món cầu kỳ cho mọi người. Người ta tin rằng nếu ăn còn chừa lại, dù chỉ là một sợi mì toshi-koshi soba thì sẽ gặp điều xấu vào năm mới.
Bữa ăn trong ngày tết của Nhật đuợc gọi là Osechi-ryouri, Truyền thống này khởi đầu từ thời kỳ Heian . Osechi khác biệt vì nó được đựng trong những chiếc hộp đặc biệt gọi là juubako, tương tự như các hộp bento, các hộp juubako thường được xếp gọn lại trước và sau khi dùng
Theo truyền thống, trong suốt ba ngày đầu năm mới, phong tục là phải nấu và dùng những bữa ăn tốt cho sức khỏe, Món này được nấu trước Tết vì trong Tết, phụ nữ sẽ không nấu nướng.
Nếu như tất cả các món ăn của osechi đều phải được chuẩn bị từ trước Tết thì lại có một món ăn được làm vào đúng dịp năm mới. Đó là Ozoni.
Buổi sáng đầu tiên của năm, cả gia đình sẽ cùng quây quần bên bàn ăn, uống rượu sake và ăn Ozoni, món súp truyền thống gắn liền với ngày Tết. Zoni hiểu theo nghĩa đen là nhiều nguyên liệu được nấu chung với nhau. Vì nó quá phổ biến và dễ làm, nên hầu như rất khó có thể tìm ra một công thức chính xác cho ozoni. Mỗi gia đình có một cách chế biến riêng, tạo nên một hương vị đặc biệt không thể trộn lẫn. Nhưng tất cả đều có một nguyên liệu chung không gì thay thế được là mochi. Có thể nói, mochi chính là cái hồn của món ăn này.
Phong tục viếng đền đầu năm của nguời Nhật được gọi là Hatsumode. Những đền thờ này thường là đền thờ Thần đạo Shinto, nhưng cũng có một bộ phận dân chúng lại đi thăm chùa theo đạo Phật. Rất nhiều người đổ về các đền điện trong ba ngày đầu năm mới vì lúc đó người lớn đều đang được nghỉ làm. Người dân Nhật Bản đến đền thờ cầu cho một năm mới thuận lợi, ấm no, dồi dào sức khỏe… Người ta có thể dễ dàng thấy những người phụ nữ trong bộ kimono đủ màu sắc, thậm chí cả đàn ông cũng mặc kimono vào ngày này để đến đền thờ. Tại đền thờ, ngoài việc đến cầu nguyện, người ta còn có thể mua một chiếc o-mamori (bùa may mắn) mới. Chiếc o-mamori cũ mà bạn đã mua ở năm vừa qua sẽ được trả lại đền để đốt.
Oshougatsu là khoảng thời gian yêu thích của trẻ con Nhật Bản vì các em sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi trong tiếng Nhật là “Otoshidama”, từ này xuất phát từ ý nghĩa chỉ sức mạnh của vị thần Toshigamisama. Trong dịp này trẻ em thường chơi các trò như đánh cầu, thả diều…
Một trong những nét đặc sắc của phong tục đón tết của người Nhật là tập quán gửi thiếp chúc mừng năm mới. Tập quán này tương đối giống các nước Âu – Mỹ song thực tế khởi nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản. Vào cuối năm, người Nhật Bản thường chuẩn bị các tấm thiệp ghi lời cảm ơn và lời chúc trang trọng nhất nhân dịp năm mới tới những người quen biết. Phong tục này thể hiện rất rõ truyền thống văn hóa “cảm ơn” của người Nhật.
Hiện này, Oshougatsu ở Nhật Bản không còn vẻ bình lặng mà mỗi người đều có thể trải qua những khoảng thời gian thư thả vui chơi cùng người thân, gia đình như ngày xưa.
Nhiều người Nhật trung niên và cao tuổi vào mỗi khi năm mới đến vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Oshougatsu xưa kia…
( Sưu tầm từ Internet)